Hotline: (+84-4) 3990.9309 Liên hệ
English French
Tin tổng hợp

Giảng viên luật không được làm luật sư?

Cập nhật: 13-04-2012 13:02:10

- Dù chỉ tiêu cần có 20.000 luật sư vào năm 2020, UB Tư pháp của Quốc hội không đồng tình quy định cho phép viên chức giảng dạy pháp luật được "kiêm nhiệm" hành nghề luật sư. "Nguồn" này bị bác vì e ngại không đảm bảo chất lượng luật sư chuyên nghiệp.

Thẩm tra dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Luật sư chiều 12/4, Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho hay quy định cho phép viên chức làm công tác giảng dạy được "kiêm nhiệm" hành nghề luật sư sẽ tạo ra ngoại lệ không phù hợp với định hướng xây dựng đội ngũ luật sư chuyên nghiệp, đồng thời có thể làm phát sinh xung đột lợi ích khi luật sư là các giảng viên tham gia tố tụng.

UB Tư pháp cho rằng những người làm giảng dạy có chuyên môn pháp lý cao thì nhiệm vụ chủ yếu và quan trọng là đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống các cơ quan tư pháp và toàn xã hội. Trong khi đó, việc hành nghề luật sư thường gắn liền với hoạt động tố tụng, trong khi hoạt động giảng dạy cũng phải tuân thủ quy định chặt chẽ về thời gian.

"Việc cho phép nhóm đối tượng này được kiêm nhiệm hoạt động cả hai lĩnh vực sẽ khó bảo đảm chất lượng" - ông Hiện nói.

Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cũng đồng tình hoặc làm luật sư thì thôi giảng dạy, hoặc giảng dạy thì thôi làm luật sư, vì mỗi công việc đều cần có thời gian cho công việc chuyên môn. Trong khi công tác giảng dạy đang cần đội ngũ chuyên môn phục vụ đào tạo nhân lực.

Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển lại ủng hộ quy định nên cho cán bộ giảng dạy làm luật sư. "Đương nhiên sẽ có câu chuyện mâu thuẫn với luật công chức, viên chức nhưng giảng viên khác công chức, viên chức khác. Họ có kế hoạch, thời gian giảng dạy nhất định thôi, thời gian còn lại họ có thể hành nghề luật sư. Hơn nữa những người giảng dạy đòi hỏi phải có kinh nghiệm thực tiễn để giảng dạy tốt hơn" - ông nói.

Liên quan chất lượng nhân lực của ngành luật, ông Hiển cũng băn khoăn hiện chỉ có 1,2% số luật sư đạt tiêu chuẩn quốc tế, vậy giữa chuẩn quốc tế và những chuẩn về chất lượng luật sư như dự thảo luật quy định có độ vênh nào?

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng đây là điều cần cân nhắc. Khác với ngành y, bác sĩ với kinh nghiệm có thể phục vụ thêm cho xã hội nhưng với người làm nghề luật sư, thì sự chặt chẽ là vấn đề phải tính. Bà ủng hộ nên theo hướng tiếp thu ý kiến của UB Tư pháp thẩm tra dự luật.

Theo báo cáo, tính đến tháng 10/2011, cả nước có 7.072 luật sư và gần 3.500 người tập sự hành nghề. Đội ngũ luật sư đã phát triển nhanh về số lượng, trẻ hóa tuổi nghề với chất lượng đang từng bước được nâng lên. Song những quy định về hoạt động hành nghề của đội ngũ luật sư cũng đặt ra nhiều vấn đề như cấp giấy chứng nhận bào chữa, điều kiện miễn, giảm tập sự nghề luật sư, thẻ luật sư, thành lập liên đoàn luật sư....

Về điều kiện miễn, giảm tập sự nghề luật sư, dự thảo luật sửa đổi theo hướng đối với một số đối tượng đã từng đảm nhiệm các chức danh tư pháp và cán bộ pháp luật trong bộ máy nhà nước thì phải bảo đảm có đủ 5 năm thực tế công tác trở lên mới được xem xét cho miễn đào tạo và tập sự hành nghề luật sư.

Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Hữu Thể không đồng tình với quy định 5 năm, cho đây là quy định không có căn cứ. Theo ông, trong thực tiễn, có những thẩm phán chỉ 4 năm kinh nghiệm xét xử với hàng trăm vụ mỗi năm thì kinh nghiệm thực tiễn của họ có thể hơn nhiều những người giảng dạy trong trường đại học với học hàm giáo sư, phó giáo sư.

"Điều này mâu thuẫn với các quy định khác. Dự thảo nói cho giáo sư, phó giáo sư làm luật sư, giảng viên luật làm luật sư. Tôi là người làm thực tiễn, tôi cũng tham gia giảng dạy từ năm 1981 thì thấy nghề luật sư đòi hỏi không chỉ có kiến thức pháp luật mà phải có kiến thức rất rộng về mặt xã hội. Vậy thì một ông giáo sư chưa chắc đã nhiều kinh nghiệm bằng một ông thẩm phán 4 năm. Tôi khẳng định họ xử lý vấn đề còn tốt hơn ông giáo sư. Do vậy mà quy định 5 năm này không có căn cứ, không thể khẳng định ông giáo sư giỏi hơn ông thẩm phán kia. Kiến thức không thay thế cho kỹ năng và kỹ thuật hành nghề" - ông Thể phân tích.

Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đồng tình với ý kiến này. Bà cho rằng một cử nhân luật ra trường chỉ đào tạo 12 tháng và tập sự 12 tháng thì được cấp chứng chỉ hành nghề, còn những người đang làm thực tiễn lại có quy định khó khăn hơn (5 năm) là không hợp lý.

Quy định cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư cũng là một trong nội dung được quan tâm thảo luận. Nhiều ý kiến nêu các luật sư than phiền bị gây khó dễ cấp giấy chứng nhận bào chữa.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính, câu chuyện giấy phép mà luật sư than phiền hiện tập trung vào khâu điều tra, không phải ở quy trình tòa án, viện kiểm sát. Vừa qua Liên đoàn Luật sư đã có ý kiến và Bộ Công an đang chấn chỉnh.

Linh Thư

 
Ý kiến bạn đọc (0)
Ý kiến của bạn
Họ và tên :
Email của bạn :  *
Mã bảo vệ :    (*)
Tiêu đề :
Nội dung :  *
          
Các tin khác: